Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau báo cáo tình hình của
Ngành Giáo dục và Đào tạo với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh
Học sinh bỏ học là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tại đợt giám sát về tình hình phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2013 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau rất quan tâm vấn đề này và đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Tiến sĩ Thái Văn Long, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học một phần là do một số học sinh học lực yếu không theo kịp chương trình, mất căn bản dẫn đến lưu ban, rồi bỏ học; một số ít trường hợp do hoàn cảnh gia đình khó khăn, do đi làm ăn xa, chưa thật sự quan tâm đến việc học hành của con em mình, hoặc phải ở nhà để phụ giúp gia đình, nhất là học sinh ở các xã ven biển, điều kiện đến trường khó khăn nên các em không thể tiếp tục đi học...
Thực tế hiện nay cho thấy, do những tác động tiêu cực ngoài xã hội đã ảnh hưởng đến động cơ thái độ học tập của một số em học sinh, vì ham chơi lêu lỏng, học yếu, lưu ban chán học rồi bỏ học. Việc phối hợp 3 môi trường giáo dục: nhà trường – gia đình – xã hội ở một số nơi chưa thật chặt chẽ, một phần nữa là do phụ huynh thiếu quan tâm, quản lý con cái. Bên cạnh đó, do yếu tố di dân, Cà Mau là vùng sông nước nên có rất nhiều người dân từ các tỉnh khác đi ghe, xuồng đến mưu sinh, họ đến đâu thì cho con cái học đến đó. Thời gian “định cư” của họ chỉ vài tháng, khi đi sang nơi khác họ cũng dắt con đi theo nên các em phải bỏ học.
Trong thời gian qua, các cấp lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã đề ra các giải pháp tháo gỡ, nhằm giảm thiểu số lượng học sinh bỏ học, như: tăng cường công tác vận động tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, trợ giúp khó khăn, tạo điều kiện cho các em đến trường như: hỗ trợ tiền đò, hỗ trợ xe đạp cho một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tiến hành tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em để vận động, hỗ trợ các em tiếp tục đi học; vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân thường xuyên quan tâm hỗ trợ sách vở, học bổng; các chính sách về miễn, giảm học phí đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, diện đồng bào dân tộc cũng được thực hiện khá tốt... Ngành giáo dục tỉnh Cà Mau cũng áp dụng các biện pháp để thu hút học sinh trở lại trường, như chỉ đạo các trường dạy phụ đạo để củng cố những kiến thức căn bản cho các em… Nhìn chung, tình hình có chuyển biến nhưng chưa nhiều.
Toàn xã hội đã và đang chung tay giúp đỡ để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học
Bỏ học là thiệt thòi lớn cho tương lai của các em, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, nhà trường, gia đình và toàn xã hội phải chung tay giúp đỡ để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và để các em tiếp tục đến trường. Chính quyền, mặt trận, đoàn thể cơ sở, nhà trường cần phối hợp đi sâu tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức trong nhân dân, nhất là của các bậc cha mẹ và học sinh về vai trò của tri thức... Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường cần được chú trọng, giúp các em ham thích học tập, có hoài bão, ước mơ. Cùng với nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường cũng cần quan tâm theo dõi số học sinh có nguy cơ bỏ học, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng giúp đỡ kịp thời. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh cũng rất quan trọng trong hạn chế xâm nhập những hiện tượng tiêu cực vào môi trường học đường. Ngành chức năng cũng cần có chính sách khuyến khích để động viên kịp thời học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; bố trí trường lớp hợp lý hơn để học sinh không phải bỏ học vì lý do trường xa, đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa.
Phạm Ngọc